Với đà tăng liên tục trong thời gian gần đây, lãi suất tiết kiệm đã lên tới mức cao nhất là 6,2%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tăng vượt mức 6%/năm. Ảnh: Q.N
Nửa cuối tháng 7, các ngân hàng thương mại cổ phần như: An Bình (AB Bank), Bản Việt (BV Bank), Bắc Á (BacA Bank), Kiên Long (KL Bank), Quân đội (MB Bank), Thịnh vượng và phát triển (PG Bank), Dầu khí toàn cầu (GPBank), Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Đại chúng Việt Nam (PVcomBank)… đồng loạt điều chỉnh tăng biểu lãi suất từ 0,1% đến 1,3%.
Trong số này, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (AB Bank) tăng mạnh nhất cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này được trả lãi suất 6,2%, mức cao nhất hệ thống.
Ngoài ra, với các kỳ hạn dài 15-24 tháng gửi tại nhiều ngân hàng cũng được trả mức lãi suất trên 6%. Cụ thể, kể từ ngày 30-7, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm % với các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn ngắn 1-5 tháng và giữ nguyên lãi suất huy động cho các kỳ hạn còn lại.
Sau điều chỉnh, lãi suất tiền gửi trực tuyến 1-5 tháng dao động từ 3,5 - 3,6%/năm. Với kỳ hạn 6-8 tháng, mức lãi suất 4,7%/năm cho khách hàng cá nhân; kỳ hạn 9-11 tháng trả mức 4,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trả mức 5,2%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng trả mức 5,3%/năm; và kỳ hạn 24 tháng hưởng lãi suất 4,8%/năm.
Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất được SHB chi trả cho các khách hàng cá nhân hiện nay lên tới 6,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Cùng trả ở mức cao này, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) hiện áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng trên kênh trực tuyến.
Tiếp đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (BV Bank) hiện trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-60 tháng; OCB trả mức lãi suất tương tự nếu khách gửi tiền 36 tháng; NCB và OceanBank cùng trả lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên.
SeABank cũng nằm trong nhóm ngân hàng đang trả lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15-36 tháng, với điều kiện gửi 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Trường hợp khách hàng gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, nhà băng này chấp nhận trả mức lãi suất lên đến 6,2%/năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 24-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5% so với cuối năm 2023, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Do đó, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm cân bằng với mức sinh lời của các kênh đầu tư khác như vàng, đô la Mỹ.
Hanoimoi /Báo Tuyên Quang