Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng trên bức tranh kinh tế cả nước trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến niềm vui này chưa được hoàn toàn trọn vẹn.
Xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu vui
Niềm vui của xuất khẩu gạo
Tháng 7 vừa qua, trong đợt mở thầu gạo của Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, các doanh nghiệp của nước ta đã trúng 7/12 gói thầu. Giá trúng thầu lần này là 563 USD/tấn, tốt hơn mức giá xuất khẩu bình quân trên thị trường.
Tin vui này đã kéo dài thành tích cho xuất khẩu gạo thời gian vừa qua. Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 39,7% về giá trị.
Tính chung 7 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3% nhưng giá trị tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta đã đạt 632 USD/tấn, tăng tới 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, sau khi giá gạo Việt xuất khẩu có chuỗi ngày giảm khá mạnh, xuống mức thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Pakistan, những ngày gần đây đà tăng đã trở lại với mặt hàng thế mạnh này của nước ta.
Xuất khẩu gạo đang mang lại giá trị cao cho xuất khẩu hàng hoá nói chung nhờ gạo liên tục được giá. Đây là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng tập trung vào các sản phẩm giá trị cao.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, các bộ ngành đã đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu trồng trọt, nâng cao chất lượng gạo lên. Nhờ đó, thay vì xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp, gạo Việt Nam đã ra thị trường với chủng loại, chất lượng cao hơn. Nhờ đó, dù gạo Việt Nam có giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.
Trong các tháng qua, gạo của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 43,6% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tiếp theo là Indonesia, Malaysia, Trung Quốc…
Nếu so sánh với con số xuất khẩu kỷ lục 8,1 triệu tấn gạo của năm 2023 thì hiện tại Việt Nam đã xuất đến 5,1 triệu tấn chỉ trong 7 tháng; sản lượng của cả 5 tháng còn lại tối đa cũng không quá 3 triệu tấn. Trong khi cuối năm lại là giai đoạn mà các nước tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho mùa khô hạn sang năm. Đây là nguyên nhân giúp các chuyên gia dự báo giá gạo của Việt Nam sẽ duy trì mức tốt trong thời gian tới. Dự báo, gạo 5% tấm sẽ được xuất khẩu với mức giá khoảng 600 USD/tấn.
Để niềm vui cuối năm trọn vẹn
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) dự báo, tỷ lệ các quốc gia không đảm bảo an ninh lương thực đã chiếm tới 30,4% dân số thế giới, với gần 30 quốc gia thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực để bảo vệ nguồn cung nội địa. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng giá gạo trong những tháng cuối năm có thể tăng trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, Indonesia mới đây cho biết có thể nhập khẩu đến 4,5 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024.
Ngoài Indonesia, mới đây, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam càng lớn khi tháng 8 này, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% hiện hành xuống còn 15% của Philippines có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các khách hàng từ Philippines và Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất nhiều để mua những hợp đồng lớn…
Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu gạo
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, diễn biến thị trường quốc tế đang đặt ra những thử thách đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam. Thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh quyết liệt về giá cả, chất lượng giữa các nước xuất khẩu làm gia tăng áp lực cạnh tranh; sự thay đổi chính sách xuất, nhập khẩu gạo của các nước cùng với yếu tố xung đột địa, chính trị, bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng gia tăng trên thế giới đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam...
Chưa kể, việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam đang có sự sụt giảm mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã giảm 68% trong 7 tháng đầu năm 2024 nếu so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là bởi Trung Quốc nâng tiêu chuẩn về chất lượng gạo lên so với trước. Từ gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST24… đều rất khắt khe về chất lượng và mẫu mã bao bì. Còn gạo chế biến, Trung Quốc chỉ nhập gạo giá rẻ, số lượng lớn. Đây không phải là chủng loại thế mạnh của gạo Việt Nam.
Chưa kể, tại Trung Quốc, gạo Việt Nam không được đánh giá cao bằng gạo Thái Lan vì bao bì chưa bắt mắt, thương hiệu không nổi bật bằng, dù chất lượng gạo Việt Nam rất tốt.
Câu chuyện thương hiệu gạo vẫn là câu chuyện khó khăn đối với gạo Việt. Do đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trước bối cảnh mới, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên (đất lúa, nguồn nước, đa dạng sinh học,…) rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo, bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Nhân Dân /Báo Ấp Bắc