Từ Sài Gòn, chị Ngô Hoàng Giang - nguyên Trưởng Văn phòng Báo Người Lao Động tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), điện thoại cho tôi: ''Cháu Nguyễn Bính Hồng Kỳ - con trai nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu vừa mất, quàn tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ở Bạc Liêu em là nhà văn duy nhất, nếu thu xếp được em vào viếng cho gia đình chị Hồng Cầu ấm cúng…''.
Vợ chồng nhà thơ Kiên Giang với gia đình nhà thơ Nguyễn Bính: bà Hồng Châu (ngồi giữa), Hương Mai (ngồi bên trái), Hồng Cầu (đứng giữa - con gái của nhà thơ Nguyễn Bính), Hồng Kỳ (đứng bên phải - người mất trong bài viết), Hồng Khương (chắt ngoại, ngồi cạnh bà cố). Ảnh: Tư liệu gia đình
Cháu Hồng Kỳ thì tôi không quen, nhà thơ Hồng Cầu, sinh hoạt chung với tôi ở Liên chi hội Nhà văn Việt Nam ĐBSCL thì tôi chỉ biết sơ sơ qua những lần họp mặt. Thế nhưng, tôi quyết định vượt đoạn đường gần 60 cây số để đi viếng đám tang không chỉ vì trách nhiệm nhà văn duy nhất ở Bạc Liêu mà bởi một lẽ vì yêu mến, ngưỡng mộ ông ngoại của Hồng Kỳ. Đó là nhà thơ Nguyễn Bính, một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Thi phẩm Chân quê, Cô hái mơ, Tương tư, Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi, Hương cố nhân… của thi sĩ tài năng xuất chúng đã làm thổn thức bao thế hệ người Việt Nam. Nhà thơ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Tôi chẳng những đi đám mà còn nhắn tin cho đồng chí Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo tình hình. Lập tức đồng chí Phó Chủ tịch điện thoại cho tôi: “Em trên đường đi công tác, em sẽ chỉ đạo Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh (gọi tắt là LHH) thành lập đoàn đi viếng cháu ngoại nhà thơ Nguyễn Bính…”.
10 phút sau, anh Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ tịch LHH, điện thoại cho tôi: “UBND tỉnh vừa chỉ đạo, em thì đang trên đường dẫn quân đi sáng tác ở Tây Nguyên. Vậy anh làm trưởng đoàn của LHH đi viếng cháu ngoại nhà thơ Nguyễn Bính nhé…”.
Người mất là Nguyễn Bính Hồng Kỳ, mới 51 tuổi, làm cán bộ trình bày kỹ thuật cho Báo Thanh Niên, xem ra tuy quê ở Bạc Liêu nhưng cũng không dính líu gì. Hành xử của UBND tỉnh và LHH là “Đi viếng tang cháu ngoại nhà thơ Nguyễn Bính”, cho thấy ánh hào quang, sức mạnh của thơ ca Nguyễn Bính. Và đó cũng là điều làm cho một nhà văn xúc động: những người phụ trách văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật mà cảm được sức mạnh của thi ca, có lối hành xử nhân nghĩa với thơ ca là văn nghệ sĩ Bạc Liêu sẽ có phúc. Đất Bạc Liêu sẽ lợi thế trên con đường phát triển văn chương, văn hóa.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa và nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) tại đám tang cháu ngoại nhà thơ Nguyễn Bính
Tôi lên xe của LHH mang vòng hoa, phẩm vật cúng bái cùng với 2 cán bộ hướng huyện Hồng Dân trực chỉ. Đường đến đám tang ngoằn ngoèo khó đi, thuộc xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). Đám tang khá đông người, có cả mấy cán bộ của Báo Thanh Niên xuống lo đám tang từ chiều hôm qua. Và tôi gặp lại cố nhân. Người thứ nhất là nhà văn Bích Ngân, hiện tại là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Bích Ngân cùng trang lứa và cùng làm phóng viên Báo Minh Hải với tôi nhiều năm, mấy chục năm trước chúng tôi từng đến nơi này tác nghiệp. Lúc đó gọi là đồng chó ngáp, đồng không mông quạnh. Giờ cả hai đứa đều không nhận ra nơi này. Và cũng ngạc nhiên với trò đời khó tưởng, tại cái nơi hoang vắng này lại có máu mủ của một nhà thơ tài danh ngút trời?
Người thứ hai là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - mẹ đẻ của người vừa nằm xuống và là con gái của nhà thơ Nguyễn Bính. Gặp tôi, chị xúc động. Tôi đem sự thắc mắc của mình hỏi chị và rồi tôi được giải tỏa.
Nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính (1918 - 1966), quê ở tỉnh Nam Định. Khi ông vừa tròn 3 tháng tuổi thì mẹ bị rắn độc cắn từ trần. Sau đó cha ông bước thêm bước nữa. Nguyễn Bính được cậu mang về nuôi dưỡng. Tài năng thi ca của Nguyễn Bính bộc lộ từ nhỏ, năm 13 tuổi ông được giải Nhất hát trống quân đầu xuân hội làng. Thơ ông phần lớn là thơ tình nhưng mang sắc thái quê mùa, dân dã. Cùng với nhà thơ Xuân Diệu, ông được mệnh danh là “Vua thơ tình”. Nguyễn Bính là nhà thơ giữ kỷ lục sáng tác được phổ nhạc cho đến nay.
Nguyễn Bính là người thích phiêu bạt giang hồ, xê dịch, đang làm thơ, viết báo ở Hà Nội thì năm 1943, được một người bạn thơ thân thiết rủ rê vào Sài Gòn viết báo. Thế là ông đi. Sau đó ông cùng người bạn vào bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp, có lúc ông làm Trưởng ty Văn hóa tỉnh. Bàn chân của ông đi theo kháng chiến khắp Đồng Tháp Mười, bưng biền Huyện Sử, Thới Bình, Cà Mau. Từ đó nhiều bài thơ nổi tiếng về Nam Bộ ra đời như: Tiểu đoàn 307 (được đồng đội là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí cũng là người ở Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình phổ nhạc), Hành phương Nam, Đồng Tháp Mười... Thời chống Pháp, Nguyễn Bính còn công tác ở Ban Văn nghệ Khu 8 (các tỉnh ĐBSCL) nên ngoài việc sáng tác, ông còn tham gia xây dựng lực lượng văn nghệ Khu 8 cho cách mạng buổi đầu ở Nam Bộ.
Trước khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Bính đã là nhà thơ nổi tiếng cả nước, có tên trong cuốn sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Vì thế, giặc Pháp muốn thu phục ông. Chúng cho máy bay phát loa, rải truyền đơn kêu gọi ông theo chính quyền Pháp. Có báo viết, để giữ được chân ông, lãnh đạo Khu 8 đã mai mối bà Nguyễn Hồng Châu - một cán bộ khu cho ông. Đồng thời giao nhiệm vụ phải giữ cho bằng được Nguyễn Bính. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu kể, bà Hồng Châu (mẹ nhà thơ) đẹp lắm. Trên đường đi công tác ở một tỉnh miền Tây, cha mẹ nhà thơ lần đầu gặp nhau thì thi sĩ “Chân quê” choáng váng, sững sờ… Và rồi hôn lễ được tổ chức và nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu là kết quả của mối tình đẹp đẽ và nồng thắm đó.
Đầu năm 1954 thì nhà thơ Nguyễn Bính tập kết ra Bắc. Vợ chồng con cái chia lìa. Bà Hồng Châu được giao nhiệm vụ ở lại làm công tác thành, nên có lúc gửi con (nhà thơ Hồng Cầu) ở căn cứ. Chị lớn lên được đưa đi học ở Trường Lý Tự Trọng. Có lúc trường đặt ở Khu căn cứ Cái Chanh (Di tích lịch sử cấp quốc gia - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu bây giờ) và chị đã gặp và yêu một anh bộ đội. Kết quả mối tình nồng thắm đó là Nguyễn Bính Hồng Kỳ, người nằm xuống hôm nay ra đời vào năm 1974. Lúc đó chiến tranh vô cùng ác liệt, nhà thơ Hồng Cầu ôm con mọn đi cùng cuộc kháng chiến đánh Mỹ, vợ chồng không có điều kiện gặp mặt nên chia tay. Anh có vợ khác, có con. Nhà thơ Hồng Cầu đằng đẵng nuôi con và làm cách mạng, làm thơ.
Chiến tranh đã làm cho hai phụ nữ chia ly chồng, họ ôm con mà đi theo cách mạng. Khi giải phóng miền Nam thì cả hai đều tìm về gia đình của chồng cũ, trong cảnh đời ngang trái. Họ đã vượt qua tất cả, để thương yêu các con riêng của chồng cũ rồi cùng với vợ sau của chồng cũ lo cho các con như là con chung. Bà Hồng Châu và nhà thơ Hồng Cầu thì đi khắp nơi sưu tầm những tác phẩm, những hiện vật, những câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Bính.
Câu chuyện nhà thơ lớn của Việt Nam gửi ở đất Bạc Liêu một giọt máu là như thế. Và tiếp theo là một câu chuyện ân tình, nhân nghĩa của thi ca.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa
Báo Bạc Liêu