Việt Nam hành động khi thế giới tăng phòng vệ thương mại

19:35 | 01/10/2024
Số vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa tăng mạnh, một số quốc gia chưa từng điều tra, ít điều tra cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhưng ở chiều ngược lại, sự thay đổi này lại khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành mối đe dọa lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tại hội nghị về điều tra chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, hôm 30/9 cho biết ngành thép đang đối mặt 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, chiếm 30% số vụ việc liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

“Chỉ trong tháng 8 và 9 đã phát sinh 3 vụ việc”, Tổng thư ký VSA nói.

Theo ông Thái, kết quả trong kháng cự phòng vệ thương mại có được “phụ thuộc rất lớn” vào chất lượng phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan nhà nước, trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là quan trọng.

Phạm vi mở rộng, xu hướng điều tra khắt khe hơn

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, số lượng vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Giai đoạn 2001 – 2011, có 50 vụ việc, nhưng từ đó đến nay đã tăng thêm 207 vụ việc. Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, mặt hàng chịu áp lực rất lớn về phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu. Ảnh: Hoàng Anh

Bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cho rằng, “thị trường điều tra ngày càng mở rộng”, cho thấy mức độ phức tạp trong thương mại quốc tế.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa Việt Nam, số vụ việc từ các nước ASEAN đang tăng lên, trong khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa từng điều tra hoặc ít điều tra, như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.

Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ hay pin mặt trời, đã mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ, như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, "xu hướng điều tra khắt khe hơn". Ở một số khía cạnh, khởi xướng điều tra đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin và khó xin gia hạn.

"Phạm vi điều tra cũng ngày càng mở rộng", bao gồm cả nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, theo bà Linh

“Mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường bởi một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá”, bà Linh cảnh báo.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ, lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ, theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại.

Tại một số nước, như Hoa Kỳ, còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế.

Giữ tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra

Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng hóa Việt Nam không thể tránh khỏi các vướng mắc, liên quan đến phòng vệ thương mại.

Hoa Kỳ là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đề xuất, trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, từ đó hình dung được quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ.

“Các doanh nghiệp nên đa dạng nguyên liệu đầu vào để tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại”, ông Hưng nói.

Trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Mỹ, điều tra trợ cấp và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, điều tra về thiệt hại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo.

“Các doanh nghiệp nên giữ tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể”, ông ông Đỗ Ngọc Hưng nói thêm.

Sau nhiều năm đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã và đang đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước xu hướng gia tăng các vụ kiện trong phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm mặt hàng có nguy cơ bị điều tra.

Cùng đó, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam về quan điểm, kết luận của cơ quan điều tra.

Một điều quan trong nữa, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có thể hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO mà không thể bố trí tham gia.

Nguyễn Hoàng /Nhà Quản Trị

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), triển lãm tranh sơn mài ''Dấu thiêng'' của họa sĩ Chu Nhật Quang đã khai mạc tối 5/10..
14:22 | 06/10/2024
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và thúc đẩy sự phát triển của nghề sơn mài, chiều 25/9 tại Hà Nội, Trung tâm ..
14:33 | 26/09/2024
Nghệ sĩ Đức Dậu, tên thật là Trần Trọng Dậu, sinh ra và lớn ở Phố Huế, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Hơn 40 năm qua, ông tự bỏ tiền bạc, công sức đi khắp ..
09:21 | 23/09/2024
Sáng 20/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức họp báo thông tin Hội chợ Làng nghề lần thứ 20, năm 2024.
19:17 | 20/09/2024
TUYÊN QUANG - ''Dây vải hay dây tơ!/Tiếng đàn Tính lọt vào tai vào ruột/…Trai gái đi, hát cười vang bỗng dừng/…Có bùa chăng! Dây tính hỡi say mê/Mười ..
12:24 | 05/09/2024
PHÚ THỌ - Nằm ở ngoại ô thành phố Việt Trì, xã Tân Đức xưa nay thuộc khu Đoàn Kết và khu Thành Công, phường Minh Nông không chỉ được biết đến là vùng ..
12:09 | 05/09/2024
Giữ nghề làm tương
12:09 | 05/09/2024
Giữa bộn bề của nhịp sống hiện đại, cửa hàng ''Quẩy nóng'' truyền thống tại số 149 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn kiên trì gìn giữ và phá..
21:03 | 04/09/2024
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng trầm trồ với những video kết hợp những nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp với ánh sáng tạo ..
17:26 | 03/09/2024
Nhắc đến vùng đất Lục Yên (tỉnh Yên Bái), từ lâu nay có một phiên chợ ''độc nhất vô nhị'' ở Việt Nam chỉ bán một mặt hàng duy nhất là đá quý, với nhữn..
18:06 | 28/08/2024
YÊN BÁI - Lục Yên không chỉ là điểm đến của những người yêu thích cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng mà còn là nơi lưu giữ và trưng bày những viên đá quý t..
17:47 | 28/08/2024

          Chung nhan Tin Nhiem Mang

Giấy phép hoạt động 2455/GP-TTĐT STTTT Hà Nội 22/8/2022
Chịu trách nhiệm Quản lý nội dung: Nguyễn Lưu Ly - Giám đốc

NGƯỜI LÀM NGHỀ - VÌ MỘT QUỐC GIA PHỒN THỊNH
Trưởng Ban Biên tập Nguyễn Việt Thắng * Hotline 0907775995
Trụ sở: Số 226 Vạn Phúc, Liễu Giai, Q.Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Nhà khách La Thành-Văn phòng Chính phủ * P. 206 Tầng 2 Nhà A
TEL:
(024) 39 195 195 * Email: Nguoilamnghe.com.vn@gmail.com
VPĐD Hải Phòng: Số 12 Lô 59 Khu TĐC Vinhomes, Q.Hồng Bàng
Trưởng Văn phòng Đại diện: Bùi Mạnh Tuấn * TEL: 
093 12345 85

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN - ĐÔNG NAM BỘ TẠI TP. HCM
VPĐD TP. HCM: Số 138 Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3
Trưởng Văn phòng Đại diện: Đinh Gia Cư * TEL:
(028) 39 181920

® CHUYÊN TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức

Vận hành bởi Công ty TNHH Chuyên trang Người Làm Nghề
icon up