Lễ hội Gióng Phù Đổng – một trong những lễ hội truyền thống lớn và đặc sắc nhất của người Việt, được tổ chức hàng năm vào tháng Tư âm lịch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lễ hội nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Thánh Gióng – vị anh hùng dân tộc huyền thoại đã có công đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ bờ cõi. Trong không khí hào hùng, trang nghiêm mà cũng đầy sôi động của lễ hội, hình ảnh Ông Hiệu nổi bật như một biểu tượng tinh thần, đóng vai trò then chốt trong việc điều khiển nghi lễ và tái hiện lại trận chiến lịch sử.

Ông Hiệu Cờ tập luyện
“Ông Hiệu” là cách gọi trang trọng dành cho những người đàn ông được tuyển chọn kỹ lưỡng để đảm nhiệm các vai trò chính trong đoàn quân của Thánh Gióng.

Hai ông Hiệu Tiểu Cổ Xóm Lai
Năm 2025 lễ hội Gióng Phù Đổng có sự góp mặt của các ông Hiệu: Hiệu Trung Quân, Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng và Hiệu tiểu cổ. Mỗi ông hiệu đảm nhận một vị trí khác nhau, thường là các tướng lĩnh hoặc chỉ huy quân đội của Gióng. Mỗi người trong số họ không chỉ là người giữ vai trò chỉ đạo cuộc rước mà còn là nhân vật chính trong màn tái hiện các trận đánh của Gióng chống giặc Ân.
Để được đảm nhiệm vai Ông Hiệu, người dân địa phương phải chọn ra những người đàn ông khỏe mạnh, đạo đức tốt, có lý lịch trong sạch và được cộng đồng tín nhiệm. Đây là một vinh dự lớn lao đối với cá nhân và gia đình họ, bởi ngoài việc được góp mặt trong sự kiện văn hóa – tâm linh trọng đại, họ còn đại diện cho sức mạnh, tinh thần và bản lĩnh của người dân làng Gióng.
.jpg)
Hai Ông Hiệu Tiểu Cổ đang luyện tập để chuẩn bị cho buổi lễ
Trước khi lễ hội diễn ra, các Ông Hiệu phải trải qua quá trình “kín cửa luyện binh”, tức là luyện tập vũ đạo, nghi thức và đội hình tác chiến một cách nghiêm túc. Họ phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe như kiêng cữ ăn uống, sinh hoạt và giữ gìn phẩm hạnh để xứng đáng với vai trò linh thiêng.
Ông Hiệu trong lễ hội Gióng không chỉ là một vai diễn mang tính nghi lễ mà còn là biểu tượng của tinh thần chống ngoại xâm, của sự gắn bó cộng đồng và niềm tự hào dân tộc. Vai trò của họ góp phần làm nên sự độc đáo và giá trị phi vật thể đặc biệt của lễ hội, điều đã giúp Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010.

.jpg)
Ông Hiệu làm lễ thánh xin chân hương
Hình ảnh Ông Hiệu trong Lễ hội Gióng Phù Đổng không chỉ đơn thuần là một phần nghi thức truyền thống, mà còn là sự kết tinh của lòng yêu nước, tín ngưỡng dân gian và bản sắc văn hóa Việt Nam. Qua vai trò của mình, các ông Hiệu đã góp phần gìn giữ và truyền lại một cách sống động huyền thoại Thánh Gióng – biểu tượng bất tử của lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của dân tộc.
Trong những âm vang thiêng liêng của Lễ hội Gióng Phù Đổng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xóm Lai, Phù Dực 1, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm lại tự hào góp mặt với những người con ưu tú: Hai ông Hiệu Tiểu cổ (Nguyễn Hiếu Thắng và Nguyễn Mạnh Tuấn). Không phải ngẫu nhiên mà xóm Lai vinh dự đảm trách hai vị trí Tiểu Cổ. Để được chọn làm ông Hiệu, các ứng viên phải trải qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt: phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có đạo đức tốt và đặc biệt là lòng thành kính đối với Thánh Gióng. Họ được huấn luyện công phu, từ cách cầm cờ, phất lệnh cho tới nhịp điệu diễu hành, làm sao cho từng động tác đều thể hiện khí chất “dũng mãnh – kỷ luật – hào hùng”.

Ông Hiệu Trống
Trong ngày hội chính, khi tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập vang lên, hai ông Hiệu Tiểu Cổ của xóm Lai trong trang phục truyền thống, tay vững vàng cầm trống lệnh chỉ huy đội quân áo đỏ, khuôn mặt rạng ngời ý chí, bước đi uy nghi giữa đội hình, khiến hàng ngàn người dân và du khách xúc động. Chính sự hiện diện của họ đã thổi bùng ngọn lửa thiêng trong lòng đoàn quân tái hiện, nối kết hiện tại với huyền thoại Thánh Gióng từ ngàn xưa.

Đoàn quân Ông Hiệu Tiểu Cổ lễ thánh
Trong hàng vạn bước chân náo nức rước hội, hình ảnh các ông Hiệu vẫn là điểm tựa tâm linh, là linh hồn không thể thiếu của trận chiến thiêng được tái hiện. Không chỉ là những vai diễn trong lễ hội, họ là người giữ lửa cho truyền thống, là nhịp nối giữa hiện tại và huyền thoại. Chính sự hiện diện nghiêm cẩn, trang nghiêm của các ông Hiệu đã khiến Lễ hội Gióng không chỉ là một cuộc rước, mà trở thành một bản hùng ca sống động, nơi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tín ngưỡng thờ anh hùng được hòa quyện thành di sản quý báu.
Bảo Thương - Bùi Xuân