YÊN BÁI - 3 năm qua, Lục Yên đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp theo Nghị quyết số 28-NQ/HU Huyện ủy đề ra.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục trong dây chuyền sản xuất
Ngày 26/7/2021, Huyện ủy Lục Yên ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng nhanh và bền vững, thân thiện với môi trường, xây dựng huyện Lục Yên sớm trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 28).
Đồng chí Hoàng Kim Trọng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Huyện ủy đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện NQ 28. UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện đồng thời cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của NQ 28 vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 24/24 đảng ủy xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể hóa NQ 28, bám sát chỉ đạo của Huyện ủy và phù hợp với tình hình địa phương”.
Giai đoạn 2021 - 2024, Lục Yên đã lồng ghép, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) Yên Thế với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng để hoàn thiện tuyến đường giao thông qua CCN.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng CCN Yên Thế. Xây dựng đồng bộ hạ tầng CCN, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, đầu tư xây dựng đường kết nối CCN Yên Thế với tỉnh lộ 171 đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển sản phẩm tiêu thụ.
3 năm qua, địa phương đã thu hút đầu tư một số dự án có quy mô vừa và lớn, chủ lực trong đầu tư chế biến các sản phẩm gỗ như: đồ gỗ nội thất, dân dụng, gỗ lắp ráp... vào CCN Yên Thế và các xã dọc quốc lộ 70. Giúp các doanh nghiệp nắm vững, chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế, Lục Yên tăng cường thông tin, phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguyên liệu, điện, nước, lao động; chỉ đạo hỗ trợ các cơ sở trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kê khai hải quan, thuế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chú trọng đầu tư mạng lưới điện, huyện đảm bảo sẵn sàng cung cấp đủ điện cho sản xuất.
Đặc biệt, huyện quan tâm tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường với yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về sản xuất sạch trong công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến nay, 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải theo quy định; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất. Địa phương đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất công nghiệp cho 2 cơ sở từ chương trình khuyến công với kinh phí 390 triệu đồng; thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động; đầu tư hệ thống quản lý điều hành thông qua mạng máy tính nội bộ, thanh toán không dùng tiền mặt, khai báo hải quan điện tử, khai báo và nộp thuế trực tuyến, xúc tiến thương mại trực tuyến...
Sản xuất công nghiệp của Lục Yên tiếp tục tăng trưởng khá, các chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch trong 3 năm qua. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên (theo giá so sánh 2010): năm 2021 đạt 2.110,3 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch; năm 2022 đạt 2.377 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch; năm 2023 đạt 2.600,7 tỷ đồng, bằng 106,2% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.391,0 tỷ đồng, bằng 52,5% kế hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Yên Hoàng Kim Trọng khẳng định: "Thực hiện hiệu quả NQ 28 là huyện Lục Yên đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đồng thuận thực hiện. Công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển nhanh, khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương, huy động được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương”.
Nguyễn Thơm /Báo Yên Bái
Tags: Lục Yên I Công nghiệp I Sản xuất I Đá quý