Năm 2022, tỉnh Tiền Giang triển khai đồng loạt nhiều dự án, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, việc triển khai một số dự án đang gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh được HĐND tỉnh thông qua hơn 3.940 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn này, UBND tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với các bộ, ngành huy động bổ sung hơn 1.185 tỷ đồng từ các nguồn vốn hợp lệ khác. Điều này đã nâng tổng số vốn đầu tư công của tỉnh lên 5.126 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai đầu tư nhiều công trình, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864; đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1); đường tỉnh 864 nối dài…
ĐÃ TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (gọi tắt là Ban Quản lý giao thông) tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung, năm 2022, đơn vị được giao 652 tỷ đồng để triển khai 9 dự án; trong đó, có 6 dự án chuyển tiếp và 3 dự án khởi công mới. Đến nay, khối lượng giải ngân đạt 100,1 tỷ đồng.
Nhà thầu khẩn trương thi công cống Phú Phong trên đường tỉnh 864.
Trong các dự án mà đơn vị làm chủ đầu tư, Dự án Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 có tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án sẽ góp phần hoàn thiện đường tỉnh 873 và mạng lưới giao thông trong vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị các xã Bình Xuân, Bình Đông nói riêng và khu vực Bắc Quốc lộ 50 của tỉnh Tiền Giang nói chung.
Dự án đã được khởi công vào đầu năm với kế hoạch vốn năm 2022 là 30 tỷ đồng. Hiện tiến độ thi công rất tốt, đã giải ngân 26,7 tỷ đồng. Đây là một trong các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương thực hiện công tác GPMB tốt nhất. Nếu trong tháng 8-2022 hoàn thành công tác GPMB, dự án sẽ hoàn thành kế hoạch xây lắp trong tháng 12-2022.
>> Trong năm 2022, các bộ, ngành Trung ương cũng đã triển khai các Dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Cầu Mỹ Thuận 2, Nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Cầu Rạch Miễu 2... Hiện nay, các Dự án Cầu Rạch Miễu 2 và Nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 đang còn vướng công tác GPMB. Để giải quyết khó khăn này, tỉnh đang tập trung quyết liệt cho công tác GPMB để các dự án triển khai đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng.
Trong năm 2022 này, Ban Quản lý giao thông cũng là chủ đầu tư của Dự án Nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869 với tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng. Đây là tuyến đường kết nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Đồng Tháp.
Việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của địa phương và liên vùng, đặc biệt là xóa những “nút thắt cổ chai” (cầu yếu) trên các tuyến đường này. Kế hoạch vốn năm 2022 để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường này là 75 tỷ đồng, đã giải ngân 28,9 tỷ đồng, đạt 38,5% kế hoạch. Hiện đường tỉnh 869 đang thi công, dự kiến tháng 12-2022 sẽ hoàn thành; đường tỉnh 863, 861 dự kiến sẽ thi công trong tháng 7.
Theo đồng chí Trần Minh Trung, Dự án Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười hiện đã được phê duyệt và đang chuẩn bị khâu thi công. Đối với công tác GPMB, Ban Quản lý giao thông đã phối hợp với địa phương bàn giao mốc GPMB và họp dân.
Đơn vị phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành thủ tục GPMB để chi trả cho người dân và triển khai thi công trong năm 2023. Một dự án quan trọng mang tính kết nối liên vùng khác mà tỉnh đang triển khai là đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 3.260 tỷ đồng. Kế hoạch vốn trong năm 2022 là 300 tỷ đồng, đã giải ngân được 18,3 tỷ đồng.
Dự án đang được tập trung cho công tác GPMB. Chủ đầu tư đang hoàn thiện trình phê duyệt phương án bồi thường. Dự kiến sẽ phê duyệt kinh phí bồi thường và chi trả cho người dân TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây trong tháng 8-2022 và huyện Gò Công Đông vào tháng 9-2022.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, một trong những công trình trọng điểm tỉnh Tiền Giang đang triển khai là Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1). Đây là dự án quan trọng của tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 846 tỷ đồng, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ sản xuất cho vùng chuyên canh cây ăn trái các huyện phía Tây.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, nguồn vốn được giao năm 2022 là 148,32 tỷ đồng (dự kiến bổ sung 57,3 tỷ đồng) và hiện đã giải ngân 87,83 tỷ đồng, đạt 59,20% vốn giao. Đến nay, khối lượng thi công cống Rạch Gầm và Phú Phong ước đạt 30%. Về công tác GPMB các cống: Cây Còng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn, hiện còn 4/26 hộ chưa nhận tiền đền bù. Hiện đơn vị đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công 4 cống còn lại. Dự kiến các cống trên sẽ thi công giữa tháng 8-2022.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, tiếp nối kết quả tích cực từ giai đoạn 1, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) với nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Hiện đơn vị đã lựa chọn xong nhà thầu thi công hạng mục tuyến đê giảm sóng (đoạn từ K0+000 ÷ K2+100) và sửa chữa cống dưới đê nhánh 2, nhánh 3 với giá trị 66 tỷ đồng.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GPMB
Trên thực tế, việc triển khai các công trình trọng điểm có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án hiện gặp vướng mắc, chủ yếu liên quan đến công tác GPMB.
Hiện công tác GPMB còn chậm tại một số dự án.
Theo đồng chí Trần Minh Trung, trong 6 tháng đầu năm, các công trình chuyển tiếp do đơn vị làm chủ đầu tư đã đạt tiến độ đề ra. Các công trình đã bàn giao mặt bằng, tiến độ triển khai rất tốt. Tuy nhiên, đối với các công trình lớn, khởi công mới, tiến độ GPMB còn chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Công tác GPMB chậm do thủ tục rất nhiều, lực lượng làm nhiệm vụ ở một số địa phương còn mỏng.
Do đó, các địa phương cần tăng cường lực lượng để thực hiện GPMB cho các dự án lớn. Trong thời gian tới, Ban Quản lý giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án. Đồng thời, tập trung đôn đốc tiến độ thi công; tiến hành khởi công mới các dự án nằm trong kế hoạch vốn năm 2022.
>> Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2022, trong những tháng cuối năm, các chủ đầu tư cần tập trung hoàn tất công tác phân bổ kế hoạch vốn. Đồng thời, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, khẩn trương triển khai thi công các công trình. Các chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra trực tiếp từng dự án trọng điểm để giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư…
Năm 2022, một trong những Dự án trọng điểm mà tỉnh triển khai là Đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định (TP. Mỹ Tho). Công trình có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện 2 bên bờ sông, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương, đối với dự án này, kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 là 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án chỉ giải ngân được 4%, khoảng 7,5 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm là do dự án đang thực hiện công tác GPMB và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đang trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Dự kiến trong tháng 7, dự án sẽ hoàn thành công tác thẩm định và tổ chức đấu thầu thi công. Dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, do đó nếu không giải ngân hết nguồn vốn được cấp thì sẽ bị mất vốn. Khi đó, dự án sẽ không khả thi để thực hiện. Vì vậy, TP. Mỹ Tho cần hỗ trợ đơn vị quyết liệt hơn trong công tác GPMB.
T. ĐẠT
Nguồn Báo Ấp Bắc